Sau Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), đã xuất hiện 2 cái tên mới trưng tỷ lệ 8%/năm lên bảng yết lãi suất huy động. Đó là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Theo đó, SeABank đưa ra mức lãi suất 8%/năm cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ đối với các khách hàng cá nhân thỏa mãn các điều kiện riêng mà ngân hàng đã đề ra.
Ở các kỳ hạn ngắn hơn, biểu lãi suất huy động của SeABank dao động phổ biến từ 5,1%/năm (kỳ hạn 1 tháng) đến 6,8% (kỳ hạn 12 tháng). Còn với các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài 15 tháng trở lên, SeABank đang chào lãi suất 6,8 – 6,95%/năm.
Tương tự, tại OCB, mức lãi suất cao cũng đã áp phổ biến ở các kỳ hạn dài: kỳ hạn 13 và 21 tháng 7,7%/năm, kỳ hạn 24 tháng 7,8% và kỳ hạn 36 tháng lên tới 8%/năm.
Đặc biệt, với chính sách ưu đãi cho sản phẩm gửi tiết kiệm trực tuyến, khách gửi tiền tại OCB còn có thể nhận được mức cao nhất tới 8,1%/năm. Mức lãi suất huy động này đã "phá vỡ" trần 8%/năm mà Eximbank mới lập và cũng là cao nhất thị trường hiện nay.
Trước đó, kể từ ngày 24/02/2015, Eximbank cũng đưa vào áp dụng mức lãi suất 8%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ, đối với khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, ở kỳ hạn 36 tháng.
Những động thái điều chỉnh vừa rồi, đáng chú ý, đã mở rộng thêm “doãng” chênh lệch lãi suất huy động kỳ hạn dài và kỳ hạn ngắn ở các ngân hàng này thêm khoảng 2%/năm.
Qua đó, kích thích dịch chuyển cơ cấu tiền gửi, từ ngắn hạn sang dài hạn. Đặc biệt là khi tại các thông báo chào lãi suất, những ngân hàng này đều quy định rất chặt về các điều kiện để được hưởng các mức lãi suất cao nhất, trong đó gắn liền với việc không được rút trước hạn.
Tính toán trên có thể hiểu như là một bước chủ động chuẩn bị của các ngân hàng trước khả năng giảm tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống còn 40%, mà NHNN đã nêu trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 36.
Bên cạnh đó, trước dự báo lạm phát sẽ tăng lên trong trung và dài hạn, việc điều chỉnh lãi suất huy động đi lên, suy cho cùng, cũng là một bước động thái cần thiết.
Ngoài ra, việc đẩy lãi suất huy động ở Eximbank, SeABank và OCB, có thể còn là bước chủ động đón trước, nhằm gia tăng cung tiền, sẵn sàng cho hoạt động đẩy mạnh tín dụng trong niên độ 2016.
Được biết, tại Chỉ thị 01 vừa ban hành, Thống đốc NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống lên mức 18 -20%/năm, tăng 2% so với 2015, và là cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
PV.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét